Tiền điện tăng cao trong bối cảnh phải làm việc tại nhà, nhiều người tìm cách cắt thời gian sử dụng laptop, thay thế đồ điện để giảm chi phí.
Với đặc thù công việc có thể làm được trên điện thoại, chị Bùi Yến, làm việc trong lĩnh vực quảng cáo tại Hà Nội, dành phần lớn thời gian làm việc trên smartphone thay vì máy tính. Theo chị, cách làm việc này hiệu quả và cũng phần nào giúp tiết kiệm tiền điện trong thời gian phải làm việc tại nhà. Chị cho rằng "điện thoại nhỏ hơn laptop đồng nghĩa với tiêu thụ điện ít hơn".
✔ Đèn LED tiết kiệm điện như thế nào
✔ Những sai lầm thường gặp khi sử dụng điều hòa
✔ Cách dùng quạt sưởi thế nào cho đúng
Việc tiêu thụ điện nhiều hay ít phụ thuộc vào tần suất sử dụng thiết bị. Nếu xét trong cùng một thời gian, lượng tiêu thụ điện trên điện thoại được chứng minh là nhỏ hơn đáng kể so với máy tính. Theo thử nghiệm của trang ZDnet, một chiếc điện thoại có pin 3.000 mAh, tiêu tốn khoảng 19 Wh mỗi lần sạc và dùng được trung bình ít nhất 4 đến 5 giờ. Với cùng thời gian đó, một chiếc laptop công suất trung bình 100W, tiêu thụ 400 - 500 Wh, cao hơn gần 20 lần.
Một số người cho biết, họ chọn giải trí trên smartphone thay TV hay máy tính, vì "vẫn đủ tính năng trong khi tiện lợi và tiết kiệm đáng kể".
Trên một diễn đàn công nghệ, thành viên có tên Trung Nguyễn gợi ý cắm chung nhiều thiết bị vào cùng ổ điện, để khi không cần dùng sẽ ngắt điện đồng loạt. Trong trường hợp làm làm việc tại nhà, anh gợi ý mọi người ghép màn hình cùng case máy tính vào cùng một ổ; TV, TV Box, máy chơi game cùng một ổ. Khi nào không sử dụng sẽ rút điện hoặc gạt công tắc để ngắt điện toàn bộ thay vì tắt bằng điều khiển từ xa. Điều này, theo anh Trung, sẽ giảm tiêu thụ điện do các thiết bị không sử dụng nhưng vẫn ở chế độ chờ.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Nytimes, 25% lượng điện tiêu thụ của các thiết bị điện tử nằm ở chế độ Stand by hay Sleep.
Có thời gian ở nhà nhiều, anh Quách Phú, một kỹ sư điện tử tại Hà Nội, đã thay thế hàng loạt bóng đèn trong nhà. Trước đây, nhà anh sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang, nay chuyển toàn bộ sang LED để tiết kiệm điện và sử dụng được lâu dài.
Theo một đơn vị chuyên sản xuất thiết bị điện, hiệu suất phát quang của đèn LED gấp rưỡi so với bóng huỳnh quang compact, vì vậy, có phòng ở trước đây phải dùng đèn compact loại 50 Watt, nay có thể dùng đèn LED 30 - 40 Watt là đủ sáng. "Một chiếc đèn huỳnh quang 50 Watt giá khoảng 150 nghìn đồng, tuổi thọ 8 nghìn giờ, trong khi một bóng đèn LED 30 Watt giá khoảng 220 nghìn, nhưng tuổi thọ 15 nghìn giờ, chưa kể mỗi tháng tiết kiệm được vài số điện. Một nhà sử dụng khoảng 4-5 bóng loại này, lượng điện tiết kiệm được đáng kể", anh Phú tính.
Theo kinh nghiệm của kỹ sư này, không chỉ đèn, hầu hết thiết bị điện tử luôn đi kèm công nghệ giúp tiết kiệm điện. Chẳng hạn, TV LCD tiết kiệm điện đáng kể so với TV Plasma, hay tủ lạnh, điều hòa đời mới có thêm những tính năng giúp điều tiết lượng điện để lúc nào cũng hoạt động với mức tiêu thụ điện ít nhất.
Nhiều chuyên gia khuyên người dùng nên vệ sinh thường xuyên các thiết bị điện tử đang sử dụng trong nhà, đặc biệt là quạt, điều hòa. Ở khu vực không khí có nhiều bụi, phần lưới lọc sẽ bị bám bụi kín chỉ sau ít tháng sử dụng, giảm khả năng trao đổi nhiệt và gió, gây lãng phí điện.
"Bật điều hòa 18 độ mà vẫn không thấy mát, đến khi mở ra thì lưới lọc đã đầy bụi. Tôi đã mất 5 phút để tháo xuống và vệ sinh, nay nó đã mát lạnh như thường", Nguyễn Huyên, một người dùng tại TP HCM chia sẻ trên Facebook. Cô cho biết sau khi vệ sinh, điều hòa để 25 độ là đủ mát.
Ngoài các biện pháp trên, một số người có kinh nghiệm còn áp dụng những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, như rút những thiết bị ngoại vi của máy tính, như ổ cứng gắn ngoài, nếu không sử dụng; cố gắng làm việc hiệu quả để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn; đồng thời sử dụng các thiết bị được chứng nhận tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí điện.
Theo Quý Văn (vnexpress)