Máy sấy quần áo ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đa dạng mẫu mã và có giá từ vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng.
Máy sấy quần áo nói chung đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng phổ biến và đa dạng hơn trong vòng ba năm trở lại đây. Thiết bị giúp làm khô quần sao sau khi giặt chỉ sau vài giờ, vì thế rất hữu dụng với điều kiện thời tiết ở Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, nơi hàng năm thường có nhiều ngày trời ẩm, nồm hay ít nắng. Ngoài khả năng làm khô, một số mẫu còn được tích hợp thêm khả năng khử khuẩn, giúp quần áo, khăn sạch hơn phơi truyền thống.
✔ 4 Bước tiết kiệm điện khi làm việc tại nhà
✔ Những sai lầm thường gặp khi sử dụng điều hòa
Máy sấy quần áo đang được phân chia thành ba kiểu chính:
Đây là dòng sản phẩm rẻ nhất, hầu hết dưới 2 triệu đồng. Với số tiền 500.000 đồng, người dùng đã có thể mua được một sản phẩm.
Ưu điểm của dòng này là giá bán rẻ, khả năng sấy quần áo với khối lượng lớn từ 10 đến 15 kg, tương đương khoảng 12 bộ. Thiết kế của sản phẩm đơn giản, dễ lắp đặt. Khi không cần sử dụng có thể tháo rời và cất gọn vào túi đựng hoặc dùng làm tủ treo quần áo thông thường.
Cấu tạo của tủ sấy quần áo đơn giản. Tủ được làm từ vải với kiểu lồng trụ hoặc hộp chữ nhật. Quần áo được treo hoặc đặt trên khung phía trên. Nguyên lý làm khô là sử dụng máy thổi hơi nóng khoảng 70 độ C từ dưới lên trên.
Sự khác biệt giữa các mẫu tủ sấy ở công suất sấy và kích thước tủ. Một số sản phẩm đắt tiền hơn được bổ sung thêm khả năng khử khuẩn bằng tia UV, có điều khiển từ xa để hẹn giờ.
Nhược điểm của chúng là thời gian làm khô quần áo lâu, mất tới hàng tiếng, thậm chí tới nửa ngày, gây tốn điện, dù công suất từ 900 đến 1.500 W. Với cấu tạo đơn giản, bộ phận sấy đặt bên dưới, người dùng cần vắt khô hết nước cho quần áo, tránh để nhỏ xuống gây chập, trục trặc bộ phận sấy.
Dòng sản phẩm này chủ yếu tới từ các thương hiệu Việt Nam và Trung Quốc.
Máy sấy quần áo có thiết kế hiện đại, kiểu dáng và cách sử dụng tương tự máy giặt lồng ngang.
Ưu điểm là làm khô tốt, nhanh, chỉ từ 30 phút với áo sơ mi, quần mỏng. Nó có nhiều chế độ phù hợp cho mỗi loại quần áo, tính năng chống nhăn, bảo vệ vải và khử trùng. Việc sử dụng được đánh giá là an toàn và bền bỉ hơn tủ sấy.
Tuy nhiên, giá máy sấy quần áo nói chung cao, có loại từ 5 hay 6 triệu đồng nhưng cũng có loại giá hàng chục triệu đồng, bằng với máy giặt. Loại rẻ tiền thường có khối lượng sấy khoảng 7 kg, bằng một nửa so với tủ sấy.
Với loại này, người dùng cần chuẩn bị trước không gian lắp đặt trong gia đình. Để tiết kiệm diện tích, máy sấy quần áo có thể được đặt trên máy giặt lồng ngang.
Máy sấy quần áo còn chia thành các công nghệ là sấy ngưng tụ, sấy thông hơi và sấy bơm nhiệt, khác nhau trong cách lắp đặt. Người dùng cần tìm hiểu trước để lựa chọn phù hợp.
Các thương hiệu của dòng sản phẩm này đa dạng, thường là các hãng máy giặt, đồ gia dụng tên tuổi.
So với hai dòng sản phẩm trên, ở Việt Nam, máy sấy mini chưa phổ biến bằng. Nó có ưu điểm là thiết kế gọn gàng, dễ di chuyển và giá thành không quá cao, từ 2 đến 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, dòng sản phẩm nhỏ gọn này có khối lượng sấy đồ hạn chế. Dung tích chứa được tính bằng lít, thường chia thành hai loại: 15 lít hoặc 35 lít. Vì thế, phù hợp với nhu cầu sử dụng cá nhân thay vì gia đình. Nó cũng thích hợp việc sấy khô đồ nhỏ, mỏng, quần áo trẻ em, khăn, tã bởi có tính năng khử trùng.
So với máy sấy quần áo thông thường, các sản phẩm cỡ nhỏ này không có lồng đảo. Quần, áo và đồ được đặt hoặc treo bằng các móc bên trong nên có thể bị nhăn sau khi làm khô.
Theo Tuấn Anh (vnexpress)